Mường Bú mùa quả ngọt
Mùa này, dọc đường vào trung tâm xã Mường Bú (Mường La) là các sạp hàng bày bán những trái mít thơm nức, những buồng chuối, những trái mận tam hoa, mận hậu rực sắc. Những sản phẩm đặc sản của vùng đất này đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của anh Lò Văn Thương, tiểu khu 2, xã Mường Bú (Mường La).
Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, thực hiện tốt chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Mường Bú đã tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ sản phẩm của nông dân tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm quả trên địa bàn. Hiện, toàn xã có trên 865 ha trồng cây ăn quả, nhiều nhất là chuối, với hơn 335 ha, gần 245 ha xoài, 203 ha nhãn, còn lại là táo, mít... Bình quân mỗi năm xuất ra thị trường trên 8.200 tấn quả các loại. Một số loại quả như táo, chuối, mít đã tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh, xuất bán cho hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, xã đang tập trung xuất khẩu các sản phẩm xoài, nhãn sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Chúng tôi về Tiểu khu 2, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” cây ăn quả của xã Mường Bú. Tiểu khu có hơn 60 ha trồng các loại cây ăn quả như: xoài, táo, nhãn, chuối, mít, vải, mận... Theo chia sẻ của ông Tòng Văn Long, Bí thư Chi bộ Tiểu khu 2: Khoảng 3 năm trở lại đây, các hộ dân đã tích cực phát triển diện tích trồng cây ăn quả. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất, các loại quả được mùa, được giá, mẫu mã, chất lượng đảm bảo, nên người tiêu dùng ưa chuộng. Lượng khách mua lẻ, mua buôn tại vườn, khách đặt hàng qua mạng Internet ngày càng tăng, đem lại nguồn thu khá cho người dân. Năm 2018, thu nhập bình quân ở xã đạt 27 triệu đồng/người. Nhiều hộ gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm như gia đình ông Đào Đức Dinh, với 15 ha trồng xoài, táo, nhãn, chuối; gia đình ông Nguyễn Văn Khu có hơn 2 ha trồng nhãn, bưởi; gia đình anh Lò Văn Thương trồng 6,4 ha trồng cây ăn quả và kinh doanh các loại cây giống.
Ghé thăm đồi cây ăn quả rộng 6,4 ha của gia đình anh Lò Văn Thương,Tiểu khu 2, anh chia sẻ: Năm 2007, gia đình tôi chuyển từ vùng lòng hồ sông Đà, xã Chiềng Lao (Mường La) về xã Mường Bú sinh sống. Là một trong những hộ đầu tiên trồng cây ăn quả tại tiểu khu, tôi vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả cao hơn hẳn so với trồng ngô, lúa, sắn, mỗi năm gia đình tôi mở rộng thêm diện tích vườn trồng và trồng thêm nhiều loại cây ăn quả mới. Hiện, gia đình có trên 810 gốc táo, 460 gốc nhãn, 400 gốc mít, 300 gốc bưởi da xanh, gần 1.000 gốc mận tam hoa, mận hậu, mận chín sớm, gần 100 cây xoài. Ngoài ra, gia đình còn kinh doanh các loại cây giống phục vụ khách trong và ngoài tỉnh. Trung bình một năm, gia đình thu gần 400 triệu đồng từ trồng cây ăn quả và kinh doanh cây giống.
Từ hiệu quả kinh tế vượt trội so với trồng các loại cây ngắn ngày khác nên hiện nay, những vạt nương, triền đồi xã Mường Bú đã phủ kín màu xanh của cây ăn quả. Những trái ngọt mang thương hiệu Mường Bú được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới. Nhờ vậy, thu nhập của người dân trong xã ngày một cải thiện, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Để cây ăn quả của xã phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Mường Bú rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tạo điều kiện cho người dân, các HTX tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh.